Quy tắc 10000 giờ để thành thạo một kỹ năng liệu có đúng?
1. Bạn không cần đền 10000 giờ để thành thạo một kỹ năng
Khi nhắc đến thời gian để thành thạo một kỹ năng, quy tắc 10000 giờ ắt là con số đầu tiên được mọi người nghĩ đến – được nhắc đến trong nghiên cứu của K. Anders Ericsson, và được phổ biến qua cuốn Outliers của Malcolm Gladwell.
Điều này khiến nhiều người không dám luyện một kỹ năng mới vì sợ không đủ thời gian.
Nhưng, thực chất, 10000 giờ là con số để đạt đến cấp độ chuyên gia, cỡ Tiger Wood, Cristiano Ronaldo, hay Dương Lâm Đồng Nai.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Josh Kaufman, và cũng được xác nhận bởi trải nghiệm của mình, thời gian mà chúng ta cần để từ không biết trở thành biết một kỹ năng nào đó chỉ đơn giản là khoảng 20 tiếng. Tức độ 45 phút mỗi ngày trong vòng một tháng.
Điều này là tin mừng cho những người bận rộn, nhưng vẫn muốn học thêm một kỹ năng mới
2. Giải phẫu kỹ năng
Trong video, Josh Kaufman đưa ra ví dụ về cách mình học Ukulele. Thay vì để bản thân lạc trong cả trăm hợp âm cần học, ông ấy đào sâu nghiên cứu và phát hiện ra mình chỉ cần làm chủ 4 hợp âm căn bản là có thể đánh được hầu hết các Pop Song trên thị trường rồi.
Có thể nói, Josh Kaufman đã áp dụng quy tắc 80/20 trong học tập – 80% thành quả tạo ra nằm ở 20% kiến thức hấp thu. Vậy nên, thay vì học lan man thì hãy dành một chút thời gian lúc bắt đầu để xác định trọng tâm kiến thức bạn cần học.
Thế thì “giải phẫu” cách nào cho hiệu quả?
Trong video không nhắc chi tiết, nhưng cá nhân mình thường tìm độ 2-3 cuốn sách về lĩnh vực này, tìm những chi tiết cả hai cuốn sách đều nhắc đến. Sau đó, mình lên ChatGPT nhờ cung cấp nguồn tài liệu để mình tìm hiểu thêm về các chi tiết trên.
Hoặc cách nhanh nhất, nhưng cũng không kém phần hiệu quả, là hỏi một người trong lĩnh vực đó về những vùng kiến thức họ nghĩ là quan trọng.
3. Tránh “vòng xoáy trì hoãn”
Điểm yếu của những người thích đọc và tìm hiểu như Josh Kaufman (và mình) là đọc mãi không chán. Nếu không cẩn thận, họ có thể mãi mắc ở bước 1. Đọc nhiều, biết nhiều, nhưng thực hành lại chẳng bao nhiêu.
Thế nên, đọc kiến thức vẫn cần thiết, nhưng điều ta cần ưu tiên là thực hành. Chỉ khi thực hành ta mới biết được mình yếu ở đâu, và có thể cải thiện chỗ nào.
Còn những người dạng “tôi sẽ học lập trình sau khi đọc 20 cuốn sách về lĩnh vực này” nói toẹt ra là đang trì hoãn.
Bạn chỉ cần đọc độ 2 – 3 cuốn sách để nắm sơ qua lý thuyết, sau đó hãy lấy thực hành làm trọng.
4. Khiến việc luyện tập dễ dàng hơn
Đến đây, bạn cần làm mọi cách để xóa mọi điều ngăn bạn thực sự bắt tay luyện tập.
Hãy để điện thoại và các thiết bị điện tử ở chế độ máy bay trong lúc làm việc, đeo tai nghe nếu có tiếng ồn, và bạn cũng có thể tải những ứng dụng hoặc tiện ích chặn mạng xã hội lúc bạn làm việc (mình đang sử dụng tiện ích Work Mode của chrome).
Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng một quy luật xây dựng thói quen trong cuốn Atomic Habit của James Clear, đó là Make It Obvious (Làm nó hiện diện).
Bạn hãy để những dụng cụ luyện tập của mình càng gần tầm mắt càng tốt, sao cho bạn có thể thấy nó mỗi ngày. Nếu bạn muốn tập guitar, bạn có thể treo đàn ngay trong phòng ngủ, để mở mắt dậy đã thấy; hoặc ngay trong phòng khách để sau khi về nhà bạn sẽ thấy nó.
Làm như vậy sẽ dễ gợi nhớ bạn luyện tập hơn là xếp nó ở trong tủ rồi khi nào nhớ mới lôi ra.
5. Dành 20 tiếng để tập luyện
Bước này là bước rõ ràng và dễ hiểu nhất, nhưng cũng là bước khó nhất. Hầu hết thường bỏ cuộc ngay trong vài giờ đầu luyện tập. Chúng ta tự đưa cho mình những lý do như “tôi không có thời gian”, “tôi không phù hợp với kỹ năng này”, “tôi không có tiền để mua dụng cu”,…
Những lý do này có thể đúng, nhưng mình nghĩ đa số chỉ là bao biện. 45 phút mỗi ngày trong một tháng không phải là một khoảng thời gian quá lớn mà ta không thể nào dành ra trong ngày. Nhiều người cứ bảo không có thời gian, nhưng vẫn theo dõi được tình tiết của một gameshow dài 2 tiếng, vẫn có thời gian để đi chơi và đăng ảnh mạng xã hội.
Không phải ta không có thời gian để học, chỉ là ta không ưu tiên nó mà thôi. Bản thân mình vừa đi học, vừa đi thực tập, vừa quản lý một câu lạc bộ mà vẫn dành được thời gian để đọc sách và viết bài.
Mình chẳng phải siêu nhân hay gì, mình chỉ chú ý hơn trong việc tận dụng các khoảng thời gian trong ngày. Mọi khoảnh khắc, dù là lúc đợi bạn, đợi xe buýt, đi xe ôm, đều có thể biến thành thời gian để mình tiếp thu kiến thức.
Cuối cùng, mình không khuyến khích mọi người phải học và làm việc mọi lúc mọi nơi, bởi điều đó rất dễ dẫn đến burn out. Mình chỉ muốn nhấn mạnh rằng nếu ta đã thực sự muốn học, thì vẫn có rất nhiều khoảng thời gian để ta làm điều đó. Quan trọng là ta có muốn làm hay không thôi.
Xem thêm các Tài liệu về Marketing