Khoa học của thành công là gì? Nó có giúp ta thành công?
Mình vừa hoàn thành một khóa học về khoa học của thành công trên Coursera, và dưới đây là 5 yếu tố để thành công (cũng là 5 module của khóa học). Hy vọng sẽ giúp ích được nhiều người đang trên con đường tìm đến thành công.
Sức mạnh của niềm tin
Những người thành công thường là những người có tư duy phát triển, họ tin rằng khả năng của mình không bị giới hạn bởi thiên bẩm, mà hoàn toàn có thể thay đổi nếu cố gắng. Tuy nhiên, khóa học cũng cảnh báo là cần phải biết điểm dừng, nếu cố gắng hết sức mà vẫn không có kết quả thì nên học cách buông bỏ.
Kỹ năng của một chuyên gia
Những người thành công thường là những người làm chủ một kỹ năng hoặc nhóm kỹ năng cụ thể. Để trở thành chuyên gia, chúng ta cần chấp nhận dành một khoảng thời gian dài trau dồi lĩnh vực mình theo đuổi (10000 giờ là con số phổ biến).
Ngoài ra, ta cũng cần luyện tập một cách có định hướng (deliberate practice). Nếu muốn trở thành người đánh đàn giỏi, bạn không thể tập mãi hợp âm mình quen thuộc mà cần tập luyện cả những hợp âm mình chưa giỏi. Điều tương tự cũng đúng với tất cả mọi kỹ năng.
Nội lực bản thân
Những người đạt được thành tựu trong cuộc sống thường sở hữu hai đặc điểm tính cách, là tận tâm (constientious) và kiên trì (grit). Những người tận tâm có tiêu chuẩn cao và luôn muốn làm tốt công việc của mình. Họ thường nộp công việc đúng hạn, và làm tốt trách nhiệm của mình với người khác. Họ cũng là những người chú ý từng chi tiết nhỏ nhặt, sao cho sản phẩm của mình có chất lượng tốt nhất có thể.
Nhưng để thành công thì tận tâm là chưa đủ, mà cần có cả sự kiên trì. Thời gian để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực là xấp xỉ 10000 giờ. Trong suốt thời gian đó, chắc chắn sẽ có không ít thử thách, từ người khác và từ bản thân, khiến ta muốn bỏ cuộc. Những lúc như vậy đòi hỏi chúng ta vận dụng tính kiên trì; nhìn cuộc sống như một cuộc marathon chứ không phải chặng nước rút trước mắt.
Vốn xã hội
Vốn xã hội ở đây chỉ nguồn lực mà một người có thể tận dụng từ các mối quan hệ của họ. Câu nói cũ rích “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi nhiều mình” hoàn toàn đúng trong ngữ cảnh thành công. Khóa học cũng nhắc đến bốn đặc điểm của một mạng lưới quan hệ tốt. Số người mà ta quen biết chỉ là một yếu tố, ba yếu tố còn lại là:
• sự đa dạng (Về độ tuổi và ngành nghề) – đừng chỉ quen những người giống mình
• chất lượng (có những kết nối sâu như là người thân, bạn thân, hay là mentor, thay vì những kết nối hời hợt),
• độ mở (quen nhiều nhóm đối tượng thay vì bị cô lập trong một xã hội thu nhỏ).
Kế hoạch
Cuối cùng, khi ta đã có tất cả những yếu tố để thành công, thì điều ta cần là một kế hoạch để hiện thực hóa nó. Khóa học đề xuất ta chia cuộc sống ra làm ba lĩnh vực mà ta muốn thành công; đối với mình, và hầu như tất cả mọi người đó là Mối quan hệ, sức khỏe, và sự nghiệp. Sau đó đưa ra các mục tiêu tương ứng với ba lĩnh vực này.
Ví dụ như về mối quan hệ thì ta có “trở thành một người bạn tốt”, hay ở sự nghiệp thì ta có “cải thiện kỹ năng thuyết trình. Sau đó, hãy chọn một mục tiêu bất kỳ và đặt ra các hành động cụ thể để cải thiện nó trong năm nay.
Ví dụ, nếu ta chọn “trở thành một người bạn tốt”, thì ta có thể đặt những hành động cụ thể; chẳng hạn như “mỗi tháng đi chơi với bạn vào ngày thứ sáu cuối cùng”, hay là “đến sinh nhật của bạn thì phải quay một video để nói mình biết ơn nó”.
Mấu chốt ở đây là hành động càng cụ thể càng tốt, có cả thời gian lẫn hành động bạn sẽ thực hiện, nếu không thì khả năng cao là bạn sẽ trì hoãn nó. Và ta cũng chỉ nên theo đuổi một mục tiêu trong một thời điểm; bởi ngược lại sẽ dễ khiến ta bỏ cuộc.
Tóm lại
Chia sẻ thật thì mình thấy hơi tiếc thời gian khi học khóa này, vì những kiến thức nó chia sẻ khá là cũ (ít nhất đối với một đứa nghiện self-help như mình). Tuy nhiên, nếu bạn thực sự quyết tâm thay đổi bản thân, và mong muốn đạt được thành tựu trong cuộc sống, thì khóa học này có thê là một lựa chọn với bạn.