5 điều đúc kết từ bài giảng “Study less, Study Smart”
Trong video “Study less, Study Smart”của giáo sư Marty Lobdell đã ra đời từ 12 năm trước, nhưng những điều được nhắc đến trong video vẫn còn đúng đến tận ngày hôm nay. Dưới đây là 5 điều mình đúc kết trong bài giảng này.
Warning: Bài viết dài và chứa nhiều thông tin, các bạn nên lưu lại đâu đó để thỉnh thoảng mang ra đọc lại.
1. Học cần phải có quãng nghỉ
Trong video nhắc đến ví dụ về cô bạn gái của giáo sư. Mặc dù cô ấy dành hơn 6 tiếng mỗi ngày để học, nhưng điểm của cô ấy thậm chí còn thấp hơn trước.
Lý giải được giáo sư đưa ra là bởi cô ấy học liên tục mà không có quãng nghỉ, nên cô ấy chỉ tập trung được trong khoảng 30 phút đầu tiên. Sau đó, sự chú ý của cô ấy giảm dần và đến khoảng 5 tiếng còn lại của buổi học cô ấy chỉ đơn giản là nhìn vào sách mà không tiếp thu được thêm gì.
Chúng ta cứ nghĩ học liền mạch mà không nghỉ ngơi là năng suất, nhưng thực chất, kết hợp giữa học và nghỉ mới thực sự được khoa học chứng minh là mang lại hiệu quả (Cornell University, n.d.).
Sự chú ý của chúng ta là có hạn, và nếu không có thời gian nghỉ để ta hồi phục, rất nhanh thôi ta sẽ rơi vào trạng thái mắt thì nhìn vào màn hình, nhưng trong đầu thì trống rỗng.
Thời gian bạn ngồi vào bàn không quan trọng bằng chất lượng mà bạn thực sự học.
Vậy chúng ta nên học bao lâu là nghỉ, và nghỉ trong bao nhiêu thời gian?
Trong video, giáo sư khuyên chúng ta nên học 30 phút và nghỉ 5 phút rồi tiếp tục; phương pháp Pomodoro nổi tiếng thì chỉ ra rằng chúng ta nên chia thời gian học và nghỉ là 25 phút và 5 phút.
Nhưng trên thực tế, chúng ta có thể tùy chỉnh dựa vào sức chú ý của bạn. Mình thường học từ 1 tiếng – 1 tiếng rưỡi mỗi hiệp và sau đó nghỉ khoảng 10 – 15 phút. Nếu quãng chú ý của bạn chưa sâu thì bạn có thể bắt đầu với việc học 20 phút và nghỉ 20 phút.
Vậy, trong những quãng nghỉ ngắn đó chúng ta nên làm gì? Lý tưởng nhất là không làm những việc đòi hỏi quá nhiều sự tập trung. Hơn nữa, chúng ta không nên làm những hoạt động được thiết kế để thu hút sự chú ý của chúng ta như là chơi game hoặc lướt mạng xã hội. Trừ phi chúng ta học xong rồi và muốn giải trí, còn nếu chúng ta vẫn có ý định quay trở lại học thì rất khó để chúng ta rời sự chú ý khỏi những hoạt động này.
Bạn có thể thử làm những hành động như là thiền, ra ngoài đi bộ và hít thở,hoặc chỉ đơn giản là nằm xuống và nhắm mắt thư giãn. Sau những hoạt động này thì tâm trí của ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều, từ đó giúp ta đạt được hiệu suất cao trong giờ học tiếp theo.
2. Tầm quan trọng của giấc ngủ
Xã hội hiện đại cho chúng ta ấn tượng rằng giấc ngủ không mang lại năng suất. Nhưng thực ra ưu tiên giấc ngủ mới là điều tốt nhất bạn có thể làm để cải thiện hiệu quả học tập của mình.
Một giờ học tỉnh táo sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với 3 giờ học nhưng lúc nào bạn cũng trong trạng thái không minh mẫn.
Khoa học đã chứng minh nếu ngủ không đủ hoặc không ngủ thì hiệu quả học tập của bạn sẽ giảm 40% (Pacheco and Rehman, 2018). Bởi lẽ trong 3 chu kỳ đầu của giấc ngủ – Non rapid eye movement (NREM), não bộ sẽ củng cố những kiến thức đã học, cũng như loại bỏ những thông tin không cần thiết để chuẩn bị tiếp thu kiến thức mới. Vậy nên, nếu bạn không ngủ thì khả năng cao những kiến thức bạn học đêm hôm trước cũng không cánh mà bay chỉ sau một thời gian ngắn.
Vậy nên, trừ phi sát deadline mà bạn vẫn chưa làm gì cả, còn không thì bạn nên ưu tiên giấc ngủ để có hiệu quả học tốt nhất. Về các mẹo để có giấc ngủ tốt hơn thì mình đã có một bài viết nói về chủ đề này, bạn có thể tham khảo thêm.
Đây là điều sẽ giúp các bạn có giấc ngủ ngon
Mất ngủ? Lờ đờ uể oải? Cảm thấy thiếu năng lượng cho một ngày dài? Khả năng cao là bạn không vệ sinh giấc ngủ của mình đúng cách.
Vậy vệ sinh giấc ngủ là gì? Làm cách nào để có được thói quen vệ sinh giấc ngủ tốt? Hãy cùng mình khám phá trong bài viết ngày hôm nay nhé!
VỆ SINH GIẤC NGỦ LÀ GÌ?
Đơn giản thôi, “Vệ sinh giấc ngủ” (sleep hygiene) là một thuật ngữ dùng để chỉ việc xây dựng thói quen ngủ tốt. Theo “Centre for Clinical Intervention” (một dịch vụ sức khỏe tâm thần ở Úc), có rất nhiều cách được cho là có thể giảm chứng mất ngủ (ví dụ như sử dụng thuốc ngủ) nhưng đa số chúng đều chỉ có hiệu quả ngắn hạn. Xây dựng thói quen vệ sinh giấc ngủ tối ưu sẽ có lợi hơn cho sức khỏe về mặt lâu dài.
MỘT SỐ THÓI QUEN GIÚP BẠN VỆ SINH GIẤC NGỦ TỐT HƠN
Có rất nhiều mẹo đã được khoa học chứng minh có thể giúp ta cải thiện giấc ngủ của mình. Trong bài viết này mình sẽ chỉ nhắc đến một số phương pháp mà chính mình đã thử nghiệm và thấy nó đem lại hiệu quả. Các bạn có thể truy cập các trang uy tín như “Sleep Foundation”(sleepfoundation.org) hay “CCI” (cci.health.wa.gov.au) để tìm hiểu thêm.
- Không trằn trọc trên giường quá lâu: Nếu sau khi nằm khoảng 20 phút mà vẫn không ngủ được, bạn nên ra khỏi giường và làm gì đó nhẹ nhàng một lúc rồi mới quay lại giường thay vì cứ nằm “cố đấm ăn xôi”. Bạn có thể thử ngồi yên trên ghế hoặc làm gì đó nhàm chán như đọc danh bạ. Hạn chế làm điều gì quá kích thích và thú vị vì nó sẽ khiến bạn khó ngủ hơn.
- Đừng bật đèn quá sáng: Bạn nên tránh xa ánh sáng có cường độ mạnh vì nó sẽ gây ức chế Melatonin, một hormone trong cơ thể có khả năng thúc đẩy giấc ngủ.
- Tránh tiêu thụ Cafein, Nicotine, và đồ uống có cồn 4-6 tiếng trước khi đi ngủ: Phần đa mọi người vẫn nghĩ uống rượu bia giúp dễ ngủ hơn, nhưng khoa học đã chứng minh điều ngược lại. Nó làm giảm chất lượng giấc ngủ của ta, khiến ta không thể ngủ sâu như bình thường.
- Tránh xa các thiết bị điện tử 30-60 phút trước giờ đi ngủ: Mình biết đây là một thói quen khó bỏ vì lướt điện thoại trước khi đi ngủ tạo cho chúng ta cảm giác rất kích thích. Nhưng chính như thế lại khiến ta khó buông nó ra để đi vào giấc ngủ. Hơn nữa, ánh sáng xanh từ điện thoại cũng gây gián đoạn quá trình sản xuất Melatonin.
- Giường chỉ dùng để đi ngủ: Ngoại trừ việc ngủ và một hoạt động cho lứa đôi nổi tiếng về đêm, đừng dùng giường của bạn để làm bất cứ việc gì khác. Nếu bạn thực hiện những việc như xem TV, ăn, làm việc trên giường quá nhiều, não bộ sẽ tự động xem giường của bạn không phải chỉ là nơi để ngủ. Bạn biết hậu quả rồi đấy.
- Tiếp xúc ánh nắng mặt trời và tập thể dục thường xuyên vào ban ngày. BAN NGÀY thôi nhé, tập thể dục trước khi đi ngủ là phản tác dụng đấy.
Điều cuối cùng mình muốn nhắn nhủ với bạn là tuy những phương pháp này áp dụng được với hầu hết tất cả mọi người, định nghĩa về giấc ngủ tốt của mỗi người là khác nhau. Thế nên hãy cứ thử nghiệm và chọn ra được phương pháp phù hợp nhất với bạn nhé. Chúc các bạn một ngày tốt lành.
Nguồn tham khảo:
https://www.sleepfoundation.org/sleep-hygiene
3. Ghi chú đúng cách
Ngoài ghi chép trong tiết, chúng ta cũng nên dành một chút thời gian ngay sau tiết học để xem lại ghi chú của ta và thêm chú thích cần thiết vào. Nếu không thì khả năng cao là sau một thời gian chúng ta sẽ quên mất mình ghi chú về cái gì.
Trong khi học, chúng ta nên viết ra những thắc mắc của mình, và ngay hôm đó tìm lời giải đáp, nếu Google không thấy thì hãy hỏi bạn bè và thầy cô. Tuyệt đối đừng ghi chú ra rồi để đó, bởi làm vậy bạn sẽ phí thời gian và công sức của mình.
Có một điều nữa, dù không được nhắc đến trong video nhưng vì nó rất quan trọng nên mình muốn bàn đến.
Chúng ta thường hiểu nhầm là ghi chép càng nhiều thông tin thì sẽ càng nhớ lâu hơn. Nhưng thực ra chất lượng của ghi chú quan trọng hơn nhiều so với số lượng (Hüseyin, 2019).
Nếu các bạn không dành thời gian để suy ngẫm về những gì mình nghe được, thì thông tin bạn ghi chép sẽ không khác gì nước đổ đầu vịt, chữ chỉ vào giấy chứ không vào được đầu bạn.
Thế nên, thay vì cứ ghi lại tất cả những gì chúng ta nghe được, hãy dành một chút thời gian để suy nghĩ vì sao thông tin này lại quan trọng, làm thế nào để đơn giản hóa nó. Sau đó mới ghi lại những ý đã được tinh gọn ở trong đầu chúng ta.
4 Sự cần thiết của việc học chủ động
Hẳn các bạn cũng đã từng trải qua cảm giác mặc dù vẫn nhìn vào mặt chữ, nhưng trong đầu các bạn không có bất kì ý niệm nào cả. Có lẽ, lý do là bởi các bạn đang học một cách bị động – chỉ dựa trên bề mặt của thông tin mà không hiểu bất ký ý nghĩa nào đằng sau.
Nếu chúng ta chỉ “học vẹt” một thông tin (ví dụ như danh pháp Homo Sapien), mà không hiểu ý nghĩa đằng sau đó (là danh pháp dùng để chỉ loài người chúng ta hiện nay), thì chúng ta sẽ rất khó nhớ được thông tin này.
Trong xã hội hiện nay, chúng ta rất ít khi cần phải nhớ một dữ liệu cụ thể, bởi chỉ cần 2 giây Google là ta có thể biết những gì cần biết. Quan trọng ta phải biết dữ liệu đó dùng để làm gì, ứng dụng trong hoàn cảnh nào.
Để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học chủ động, giáo sư Marty Lobdell đã đưa ra ví dụ sau đây:
Bạn hãy thử dành một phút để ghi nhớ dòng chữ này A/P/Y/H/P/Y/V/A/D/T/B/H/R
Nếu bạn có trí nhớ tốt thì chắc bạn cũng có thể nhớ được, nhưng sẽ mất khá nhiều công sức, và khả năng cao là đến mai bạn sẽ quên mất dòng chữ này.
Vậy còn dòng chữ này thì sao? H/A/P/P/Y/B/I/R/T/H/D/A/Y
Chắc chắn là các bạn nhớ được đúng không, và không chỉ ngày mai mà một tuần sau khả năng cao các bạn vẫn còn nhớ dòng chữ này là gì.
Mặc dù hai dòng chữ ở trên có cùng ký tự và số chữ cái, nhưng điểm khác biệt là nếu thay vì học vẹt từng chữ, chúng ta dành thêm một chút thời gian sắp xếp nó cho có ý nghĩa, thì chúng ta sẽ nhớ lâu hơn nhiều. Đó chính là cốt lõi của việc học chủ động
Để có thể học chủ động hơn, bạn có thể bắt đầu với 3 câu hỏi dưới đây:
“Tại sao thông tin này lại quan trọng?”
“Tôi có thể áp dụng thông tin này như thế nào?”
“Làm thế nào để tôi có thể liên kết kiến thức này với kiến thức tôi đã biết?”
3 câu hỏi này liên quan đến một khái niệm khác là “Higher-order learning” (học tập cấp cao) – mình đã có một bài viết giải thích về khái niệm này.
Sau khi hỏi 3 câu hỏi này, mặc dù tốn thời gian hơn bình thường, nhưng bù lại các bạn sẽ hiểu được kiến thức sâu hơn, và nhớ lâu hơn rất nhiều so với việc học vẹt.
5. Sự khác biệt giữa nhận biết và ghi nhớ
Khi ôn tập, chiến lược của đa số học sinh là nhìn lại những gì mình ghi chú ở trong sách, và sau khi lướt qua một lần thì ta nghĩ mình đã nhớ hết tất cả. Nhưng trên thực tế, các bạn chỉ đang nhận ra thông tin qua thị giác, chứ các bạn vẫn chưa ghi nhớ được thông tin này.
Trong video đưa ví dụ rằng nếu chúng ta giở lại một cuốn tạp chí rất lâu mình chưa đọc, ta sẽ dễ ảo tưởng là mình vẫn nhớ hết tất cả mọi thứ. Nhưng chỉ cần thử gấp sách lại và đoán nội dung trang tiếp theo, ta sẽ nhận ra mình chẳng nhớ gì cả.
Vậy nên, đọc lại không phải là một chiến lược tốt để bạn ôn tập kiến thức. Thay vào đó, sau khi đọc xong một chương sách hoặc ôn tập cho bài kiểm tra, bạn hãy thử đóng hết tài liệu và tự mình viết ra tất cả những gì mình nhớ, khi nào cảm thấy bí quá thì mới nhìn tài liệu để bổ sung những gì còn thiếu.
Cách này dù mất nhiều công sức hơn, nhưng bù lại bạn sẽ nhớ được thông tin về lâu dài.
Nguồn tham khảo:
Cornell University (n.d.). Study Breaks & Stress-Busters | Cornell Health. [online] health.cornell.edu. Available at: https://health.cornell.edu/about/news/study-breaks-stress- busters#:~:text=Research shows that taking purposeful.Hüseyin, Ö. (2019). Impact of note taking during reading and during listening on comprehension. Educational Research and Reviews, 14(16), pp.580-589. doi:https://doi.org/10.5897/err2019.3812.
Pacheco, D. and Rehman, A. (2018). Memory & Sleep: How Deprivation Affects the Brain. [online] Sleep Foundation. Available at: https://www.sleepfoundation.org/how-sleep-works/memory-and-
sleep#references-83312.Pierce College (2011). Marty Lobdell – Study Less Study Smart. [online] www.youtube.com. Available at:
https://www.youtube.com/watch?v=IIU-zDU6aQ0&t=1610s
[Accessed 1 Dec. 2023].
Trong bài giảng “Study less, Study Smart” ngoài 5 điều mình viết ở trên thì còn rất nhiều kiến thức thú vị khác về học tập được giáo sư Marty Lobdell chia sẻ trong bài giảng. Các bạn hãy vào trực tiếp video để xem nha.Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích thì hãy chia sẻ nó đến với những người khác nhé!